An toàn cho trẻ tại nhà trong kỳ nghỉ hè
Sau một năm học tập căng thẳng, học sinh cả nước đang bước vào kỳ nghỉ hè. Bên cạnh sự vui mừng và háo hức khi được tạm xa sách vở, là sự căng thẳng của các bậc phụ huynh khi phải vừa đi làm, vừa trông trẻ. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, với phần đông phụ huynh là những người lao động trong các cơ quan, xí nghiệp, kỳ nghỉ hè là một khoảng thời gian vô cùng áp lực. Một số phụ huynh không có sự trợ giúp từ người thân, phải chọn phương án để trẻ ở nhà một mình trong thời gian nghỉ hè.
Theo số liệu thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023, có hơn 19.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra trong độ tuổi 0-16 tuổi được ghi nhận, trong đó có hơn 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà. Tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở nước ta hiện nay lên tới 11%, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%). Mỗi ngày, ở Việt Nam ta vẫn còn hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị tai nạn thương tích.
Dù ở độ tuổi nào, để trẻ nhỏ ở nhà một mình là lựa chọn khá mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, khi không có lựa chọn nào khác để thay thế, phụ huynh cần trang bị cho con một số kiến thức tự bảo vệ bản thân khi ở nhà một mình và phải tập cho trẻ một số kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra. Dưới đây là một số kiến thức an toàn cơ bản cần trang bị cho trẻ:
Phòng điện giật khi sử dụng các đồ dùng điện trong gia đình, cách xử trí khi xảy ra sự cố chập điện
Không tự ý cắm, thay đổi phích cắm các thiết bị điện.
Không chạm vào công tắc điện khi tay ướt.
Ngắt cầu dao điện khi phát hiện xảy ra chập điện. Xử lý điểm cháy hoặc nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm (nếu có).
Phòng cháy nổ, tránh bỏng khi sử dụng các thiết bị có phát lửa
Không bật bếp gas, quẹt gas, diêm khi không cần thiết.
Không chơi đùa với diêm, quẹt gas, nến.
Làm mát vết bỏng bằng nước lạnh ít nhất 20 phút nếu chẳng may bị bỏng.
Nếu phát sinh cháy và không khống chế được đám cháy thì phải nhanh chóng chạy ra khỏi nhà và nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. Luôn đóng cửa, gài chốt, móc ổ khóa nhưng không bấm khóa để dễ dàng mở cửa thoát ra ngoài khi có sự cố.
Hạn chế tiếp xúc với người lạ, từ chối các yêu cầu mở cửa từ người lạ. Trước khi mở của cho người khác phải gọi cho ba, mẹ hoặc người thân để xin phép.
Đối với phụ huynh
Để lại ít nhất một phương tiện liên lạc, lưu sẵn số điện thoại ba, mẹ, người thân có thể hỗ trợ trẻ nhanh chóng và hướng dẫn trẻ liên lạc với người thân khi cần sự hướng dẫn hoặc sự giúp đỡ.
Nhờ hàng xóm để ý giúp nếu nhà có dấu hiệu lạ và dặn trẻ nếu có vấn đề gì hãy nhờ người đó giúp đỡ.
Lên kế hoạch hoạt động trong ngày cho trẻ và có biện pháp giám sát việc trẻ thực hiện kế hoạch.
Cố gắng hạn chế thời gian trẻ sử dụng các thiết bị màn hình để không bị “nghiện” khi kết thúc thời gian nghỉ hè.
Khoa Sức khỏe cộng đồng – Môi trường và bệnh nghề nghiệp, HCDC
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT, 7 CẢNH BÁO TRỞ NẶNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH TAY CHÂN MIỆNG (05.06.2024)
- Thông tin 03 công khai năm học 2023-2024 (26.09.2023)
- Dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ (12.09.2023)
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh Sốt xuất huyết (12.09.2023)
- Chủ động phòng bệnh Tay Chân Miệng (12.09.2023)
- HỎA TỐC: Về cho học sinh nghỉ học do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rut Corona gây ra (từ ngày 03/02/2020 đến hết ngày 09/02/2020) (02.02.2020)
- PHỤ HUYNH CẦN BIẾT NHỮNG ĐIỀU SAU ĐỂ CHUẨN BỊ CHO TRẺ ĐẾN TRƯỜNG (18.08.2016)
- 5 BƯỚC SƠ CỨU TẠI NHÀ KHI TRẺ BỊ SỐT CAO CO GIẬT (18.08.2016)
- HƯỚNG DẪN SƠ CỨU XỬ LÝ ĐÚNG CÁCH KHI TRẺ BỊ HÓC DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ CÁC BẬC CHA MẸ CẦN PHẢI BIẾT (18.08.2016)
- Dạy con học bơi tại nhà từ những bước cơ bản (25.08.2016)